[cũ] Cà phê Inner Gods 3

Đại Việt
8 min readMay 1, 2021

NGày 16 tháng 3 năm 2021

[cũ] Cà phê Inner Gods 3

Dostoievsky từng nói rằng, đại để nếu như nhìn vào lịch sử, không một ai có thể nói rằng lịch sử loài người là một chuỗi những sự kiện mà các quyết định xảy ra có lí trí. Tất cả đều hết sức hỗn loạn, hỗn loạn tới độ người ta không thể hiểu nổi tại sao lại có những chuyện hết sức man rợ có thể xảy ra. Tinh thần của Kinh Dịch là mọi chuyện đều có nguyên do, và tất cả đều có vận hành một cách tuần tự. Sự vận hành của thiên thể đối ứng lên sự vận hành của thiên nhiên, mỗi một biến đổi trong sự vận hành của thiên nhiên lại ảnh hưởng lên các biến đổi của đời sống xã hội, và sự biến đổi của đời sống xã hội, lại có đối ứng song song với nội tâm của con người.

Người xưa nhìn vào quẻ Dịch, thấy trước được rất nhiều sự tình. Đó là phép tính calculus của người Á Đông, rằng sự biến chuyển của thời gian luôn có một manh mối, vạn vật chuyển động đều có một manh mối. Có người nhìn ra được những manh mối đó, biết được rất nhiều chuyện trong quá khứ, và trong tương lai. Tưởng chừng như tất cả mọi tình huống đều đã ở đó, và cảm giác thời gian trôi đi chỉ là một ảo giác. Bởi vì tất cả đều đã xảy ra, hay vốn đã từng ở đó, chỉ là con người trên đất không đủ khả năng nhìn thấy, nên mỗi một lúc được chứng kiến một sự kiện trong thư viện của vũ trụ, họ lại tưởng chừng như thời gian đang trôi đi.

Carl Jung từng nói Đức Phật là một thiên tài gây phiền nhiễu, phiền nhiễu là bởi vì con người vẫn chưa nhận thức được tình trạng từ người bình thường có thể chuyển tiếp thành thần, họ cần thời gian để có thể nghĩ về chuyện đó, cũng như cần thời gian để du hành vào vùng đất nội tâm. Đức Phật bước vào đó, ông đại ngộ, nhận ra cõi đời này, hết thảy vạn vật đều là mê ảo. Ông đi tới cõi nào, bước vào vùng không gian nào, để nhìn ra cõi này chỉ là cõi mê ảo? Trang Tử nằm ngủ, mơ thấy mình là con bướm, sống đời con bướm, tới khi tỉnh dậy lại thấy mình trong cơ thể của Trang Tử. Rốt cuộc Trang Tử mơ thấy mình là con bướm, hay là con bướm kia đang mơ thấy mình là Trang Tử? Lúc Jesus bị đám quan tư tế đòi mang ra ném đá tới chết, vì nguyên do ông dám nhận mình là thần, Jesus nhắc lại Thánh Thi về lời của Yhwh, rằng tất cả mọi người trên đất thực ra đều là thần — Ye were Gods!. Tại sao đấng Yhwh lại nói như thế? Và có lí cớ gì để Jesus tin vào điều đó? Ông tin vào điều đó tới cùng, rằng ông là con của Thiên Chúa, cũng như tất cả chúng ta, đều là con cái của Thần, chỉ là chúng ta dần dần quên đi chuyện đó, và ta không tin vào nó nữa.

Phải chăng tất cả chúng ta đều là những sinh mệnh rơi vào trong một miền ký ức của một sinh mệnh nào đó, và tất cả những thứ mà chúng ta cảm nhận từ đời sống, chỉ là hiện thực được tạo dựng từ ký ức đã qua của một sinh mệnh khác. Rằng từ thiên nhiên, vạn vật, tới thân thể đều là từ ký ức của họ, một ký ức về một thế giới hết sức chi tiết, chi tiết và chân thực tới độ khi ta ở trong miền ký ức đó, ta không nhận ra đó là một giấc mơ, là một miền ký ức xa vắng nữa. Ta bị lạc lối trong đó.

Rốt cuộc Đức Phật đã nhìn thấy gì, mà khi quay lại hiện thực, ông dặn học trò: Nhân Tại Mê Trung, Đời Là Cõi Hư Ảo. Hư ảo tới độ khi học trò ông hỏi ông về thiên tượng trên trời, ông cũng chẳng buồn trả lời. Phải chăng rằng ta đang lạc vào một miền ký ức của ai đó, mà tất cả những gì ta thấy và cảm nhận chính là một trật tự nội tâm mà họ đã dựng nên. Nó có thể thực với họ, nhưng nó không thực với sinh mệnh khác. Lúc Carl Jung đối diện với bệnh nhân tâm thần, họ không cho rằng họ có vấn đề, họ có hiện thực của họ. Cái hiện thực của họ hoàn toàn khác với hiện thực của rất nhiều người bình thường khác.

Để giải quyết vấn đề đó, Carl Jung phải giao tiếp với họ. Để họ chấp nhận giao tiếp tới ông, ông phải biết được hiện thực của họ, tìm hiểu ký ức của họ, và nói chuyện với họ như thể rằng ông cũng đang ở trong cái “hiện thực” đó của họ, dù nó có điên rồ tới cỡ nào đi chăng nữa. Hệ quả là ông phải “diễn” liên tục để bệnh nhân mở lòng ra với ông. Nhiều vai diễn chân thực tới độ chúng đe dọa chiếm lĩnh tâm hồn ông. Nhiều khi các phần ký ức của bệnh nhân tâm thần mạnh mẽ tới độ chúng “sống” trong tư tưởng của ông, và rất nhiều lần, ông buộc phải nhờ tới các kỹ thuật của Kundalini Yoga đễ giữ mình tỉnh táo.

Tại sao rất nhiều người lại như bị tẩy não, vĩnh viễn không thể nào tỉnh táo dùng lí trí suy xét vấn đề, đặc biệt là những người ở các quốc gia Cộng Sản? Là bởi vì họ đã bị thứ ma quỷ nội tâm của những kẻ yếu đuối nhưng có ham muốn vĩ cuồng khống chế.

Nơi này liên tục xuất hiện những dòng này, cũng không ngoài nỗ lực kéo bạn ra khỏi đó.

Tại sao một sinh mệnh được tạo ra trong đời sống này không thể thoát khổ. Con người thiên tư là sợ khổ, nhưng không ai tránh được cái khổ. Ai đã từng ở với một người điên, sẽ hiểu cảm giác đáng sợ và khổ sở như thế nào. Khổ sở là vì ta phải sống với “hiện thực” của họ, sống với cái “ký ức” của họ. Tới độ nếu như không có một mục tiêu nào đó cao lớn hơn đời sống, có lẽ rất nhiều người đã tự kết liễu đời sống, và thực sự là có rất nhiều người kết liễu đời sống. Phải chăng tất cả chúng ta đều là Thần, như lời Yhwh nói, và chúng ta cần thoát khỏi miền ký ức này?

Nếu như nhân loại chỉ có thể thông minh hơn, và cỗ máy thời gian được chế tạo để người ta có thể du hành ngược trở lại quá khứ, liệu rằng người ta có thể quay lại và phá đi bào thai Mao Trạch Đông hay Hồ Chí Minh hay không? Không! Ngay cả khi kỹ thuật đó có thể, người ta cũng không thể làm thế. Bởi vì Mao và Hồ chỉ là sản phẩm của thời cuộc, là thứ ma quỷ từ nội tâm của người đời vào giai đoạn đó cộng hưởng thành nhu cầu và ham muốn của thời cuộc. Thứ ma quỷ đó thông qua những thèm muốn vô ơn và khao khát báng bổ nhất, song hành với sự ngờ nghệch của rất nhiều người khác bước vào thực tại. Nếu không có Mao này, thì đám đông cũng sẽ tìm ra Mao khác, không Hồ này thì xuất hiện Hồ khác. Những bạo chúa như vậy sẽ luôn xuất hiện, chừng nào tâm hồn của người ta còn dung dưỡng ma quỷ từ sự hỗn loạn nội tâm.

Bạo quyền, Phát Xít, Cộng Sản, hay tất cả các thứ tai ương trên đời… thực ra là hóa thân của ma quỷ nội tâm ở bên ngoài, và sâu kín trong lòng, nó là âm vang của những ham muốn thấp hèn nhất, của lòng tham vô độ, của sự báng bổ và vô ơn.

Nên các Đại Giác giả xuất hiện trong lịch sử, họ không phát triển tình huống tôn giáo, mà họ để lại tình huống về Đức Tin, bởi vì chỉ có tình huống của Đức Tin, mới giúp người ta tỉnh thức, nói như Đức Phật, là thoát khổ, thoát vòng Luân Hồi, nhập Niết Bàn. Hay như Jesus, ông gọi người ta theo ông trở về Thiên Quốc.

Có lẽ, đúng như Yhwh nói, tất cả chúng ta đều là những vị Thần, và đang ở trong một trường khảo nghiệm sinh mệnh vĩ đại, rằng một khi một vị Thần không còn lưu giữ ký ức của mình, và được đặt vào trong một miền ký ức khác, vị Thần đó còn tìm về lại một góc thánh khiết trong nội tâm, nơi có thể kết nối lại với Thần thể đang tĩnh lặng chờ đợi ở nơi khác hay không? Hay họ sẽ nhanh chóng mê lạc trong miền ký ức thô thiển của một sinh mệnh khác.

Đức Phật ngồi tĩnh lặng dưới gốc Bồ Đề, ông chẳng thiết gì niềm vui cõi này, bởi ông biết, khi thời điểm tới, ông trở về với thần thể của ông, và đời sống nơi đó của ông không ô trọc và thấp kém như những tiện nghi người đời mong ước trong cõi này.

Chúng ta có thể để ý nhìn thấy những đứa trẻ đang kêu đòi được thỏa mãn trong nội tâm về niềm vui ở cõi này. Nhưng phải chăng chúng ta quên đi một phần hết sức thánh khiết, thi thoảng nhắc nhở ta rằng mọi tiện nghi trong đời sống này thực ra không đáng giành thời gian như thế, rằng niềm vui vĩnh hằng từ một cõi không gian bao la hơn vẫn đang âm thầm chờ đợi.

“Christ said to his disciples “Ye are gods.” This word becomes painfully true. If God incarnates in the empirical man, man is confronted with the divine problem.” — Carl Jung — Jung and religious belief.

(Jesus đã nói với các môn đồ của mình “Anh em là thần.” Đau đớn là điều này lại là sự thật. Nếu Thượng Đế tái hiện trong cơ thể con người thường, người thường phải đối diện với một vấn đề thiêng liêng.)

Carl Jung nhìn ra rằng mọi vấn đề nội tâm sẽ không còn xuất hiện nữa, và các phương pháp tâm lý trị liệu sẽ không còn cần thiết nữa, một khi người ta còn theo đuổi các cực hạn đạo đức của Đức Tin. Các cực hạn đạo đức đó là gì, nếu không phải là tư tưởng của Thần?

Psalm 82:6: I have said, Ye are gods; and all of you are children of the Most High.

--

--

Đại Việt

Một kẻ lang thang trên biển rộng trời cao. Viết cho bản thân và gia đình tôi. Anchor: https://anchor.fm/mikael-lee